Hiện nay, quy trình tác nghiệp của các cơ quan Chính phủ và DN phần lớn theo tập quán truyền thống và còn mang nhiều tính thủ công. Môi trường xử lý giao dịch thương mại quốc tế vẫn mang nặng tính giấy tờ, trong khi hệ thống công nghệ thông tin chưa đạt tới trình độ tự động hóa cao làm cho cộng đồng DN lúng túng với các thủ tục kê khai và yêu cầu cung cấp thông tin thường trùng lặp.
Lợi đủ đường
Cơ chế hải quan một cửa quốc gia (NSW) được chính thức khởi động khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 48/2011/QĐ-TTg ngày 30/8/2011 về triển khai thí điểm cơ chế hải quan một cửa quốc gia. Theo đó, cơ chế hải quan một cửa quốc gia VN cho phép các bên tham gia hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu nộp hoặc gửi thông tin và chứng từ chuẩn hóa tới một điểm tiếp nhận duy nhất.
Theo Tổng cục Hải quan - Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo quốc gia về NSW, cơ chế này khi được triển khai sẽ mang đến rất nhiều lợi ích cho giới DN, các nhà đầu tư và người dân. Điều này đã được kiểm chứng tại các nước phát triển và được các cơ quan, tổ chức chuyên môn quốc tế đánh giá. Cụ thể: giảm 20% chi phí xử lí chứng từ thương mại (tại Singapore) đối với các DN hoạt động XNK bình thường và giảm 25% đến 30% chi phí đối với các DN giao nhận. Bên cạnh đó, NSW còn giúp DN giảm thiểu các sai sót ngoài ý muốn trong thực hiện các thủ tục hành chính. NSW đưa ra quy định DN chỉ phải nộp hồ sơ và thông tin đã được chuẩn hóa tại một đầu mối là cơ quan hải quan để thực hiện tất cả các quy định của cơ quan quản lí liên quan đến hoạt động XNK, quá cảnh (hàng hóa, phương tiện), nếu thông tin ở dạng điện tử thì chỉ phải nộp 1 lần.
Ngoài ra, NSW là giải pháp giúp cải thiện trực tiếp chất lượng dịch vụ công cung cấp cho hoạt động thương mại và vận tải quốc tế do các quy định ngày càng rõ ràng, minh bạch và dễ tuân thủ. Thông qua cơ chế này, cơ quan quản lí cung cấp được nhiều dịch vụ tư vấn cho DN một cách chính xác, cập nhật; những thay đổi liên quan đến chính sách cũng được cung cấp kịp thời, đầy đủ hơn.
Cần sự phối hợp
Cơ chế một cửa hải quan sẽ không thể thành công nếu không có sự phối hợp ăn ý của các bộ ngành liên quan, đặc biệt là 6 bộ: Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Y tế, Tài nguyên và Môi trường…
Ngoài ra, một số bộ, ngành liên quan dù chưa thí điểm cũng cần phối hợp để thực hiện các công việc để có thể thúc đẩy NSW được triển khai đúng lộ trình. Trong đó Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT và đảm bảo an ninh, an toàn khi vận hành hệ thống. Ngân hàng nhà nước phối với các bộ, ngành để xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến thanh toán thuế, phí, lệ phí… trong hoạt động XNK qua phương thức điện tử. VCCI phối hợp để tổ chức hội thảo, tập huấn, tuyên truyền về NSW đến cộng đồng DN.
Các giai đoạn thí điểm * Từ 10/2011 đến 12/2012: Xây dựng văn bản pháp lý, quy trình thủ tục; chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng CNTT và xây dựng hệ thống công nghệ thông tin một cửa quốc gia; * Từ 1/2013-12/2013: Thí điểm thực hiện ở các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Giao thông - Vận tải và một số cơ quan nhà nước ở địa phương thuộc các ngành tài chính, công thương và giao thông vận tải; * Từ 1/2014-12/2014: mở rộng thí điểm thực hiện ở các cơ quan thuộc Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số cơ quan nhà nước ở địa phương thuộc các ngành y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường; * Tháng 12/2014 sẽ tổng kết việc thí điểm và đề xuất phương án triển khai chính thức trong giai đoạn tiếp theo. |
Nguồn tin: (DĐDN)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn