-Việc áp dụng thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với mặt hàng chất phụ gia, chế phẩm, chất bổ sung trong thức ăn chăn nuôi đang là vấn đề “nóng” được nhiều doanh nghiệp trong ngành này quan tâm và đặt câu hỏi với Tổng cục Hải quan.

Người dân sử dụng thức ăn chăn nuôi
Theo Tổng cục Hải quan, quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 8 Luật thuế GTGT; điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị định số 123/2008/NĐ-CP; khoản 3 Điều 10 Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/01/2012 của Bộ Tài chính thì “Thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác bao gồm các loại đã qua chế biến hoặc chưa chế biến như cám, bã, khô dầu các loại, bột cá, bột xương, bột tôm và các loại thức ăn khác dùng cho gia súc, gia cầm và vật nuôi” thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT là 5%; Điều 11 Thông tư này quy định “Thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không được quy định tại Điều 4, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này”.
Căn cứ quy định trên, Tổng cục Hải quan đã hướng dẫn các Cục Hải quan địa phương thu thuế GTGT đối với phụ gia, chế phẩm, chất bổ sung trong thức ăn chăn nuôi là 10% vì không thuộc nhóm mặt hàng được quy định là áp thuế 5% theo Điều 10 Thông tư 06/2012/TT-BTC.
Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam thì viện dẫn theo điểm b, khoản 2, Điều 6 Nghị định 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 quy định “Chất phòng trừ và các chất kích thích tăng trưởng vật nuôi, cây trồng” thuộc đối tượng áp dụng thuế suất là 5% và cho biết thêm: chuyên môn kỹ thuật trong nước và quốc tế đều xem những mặt hàng nhập khẩu này là chất kích thích tăng trọng.
Đây là vướng mắc chung của cả cơ quan Hải quan lẫn doanh nghiệp trong việc hiểu và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thuế GTGT. Để giải quyết dứt điểm vướng mắc của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đã có văn bản trao đổi, xin ý kiến của Vụ Chính sách Thuế, Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) và Tổng cục Thuế.
Tô Thành