Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy một thực tế, từ năm 2011 - 2014, hoạt động của doanh nghiệp đang ở thời kỳ hết sức khó khăn:
Bảng 1: Thống kê về số lượng DN thành lập mới, giải thể, ngừng hoạt động từ năm 2011 - 2014 (*)
![]() |
Năm 2014 là năm thứ 3 liên tiếp có xuất siêu nhưng kim ngạch xuất khẩu tăng chủ yếu ở khối doanh nghiệp FDI. Tính chung 8 tháng năm 2014, trong tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 97 tỷ USD, tỷ trọng xuất khẩu các doanh nghiệp FDI đóng góp tới 70% tổng kim ngạch tăng thêm và đạt 65,2 tỷ USD, xuất siêu gần 11,86 tỷ USD với các mặt hàng chủ yếu là gia công, lắp ráp. Với một nền kinh tế đang phát triển và có độ mở cao như Việt Nam thì hiện tượng xuất siêu dường như có điều gì không bình thường của nền kinh tế nói chung và của các doanh nghiệp nói riêng, đặc biệt là doanh nghiệp trong nước. Theo thống kê, xuất khẩu các doanh nghiệp trong nước ước đạt 31,8 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ nhưng sự phục hồi này vẫn ở mức thấp.
Năm 2014 khó khăn là thế, năm 2015 được dự báo không mấy khả quan hơn. Xét về bối cảnh, đây là thời điểm quan trọng để nước ta đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, có thể hoàn tất quá trình đàm phán 8 Hiệp định thương mại tự do (FTA), đáng chú ý như FTA với Liên minh châu âu (EU), Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)... Các hiệp định này sẽ cho phép dịch chuyển lao động, dịch vụ, đầu tư và hàng hóa giữa các nước diễn ra một cách tự do hơn và là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng được thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích có thể đem lại cho xuất khẩu các mặt hàng chiến lược của Việt Nam, thì các ngành sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp, thị trường bán lẻ trong nước và thị trường lao động, việc làm dự báo sẽ chịu tác động tiêu cực nếu như không có các biện pháp ứng phó phù hợp và kịp thời. Năm 2015, Chính phủ dự kiến trình QH một số chỉ tiêu chủ yếu: GDP tăng 6,2%, tăng trưởng đầu tư toàn xã hội bằng 27,7% GDP, CPI tăng 5%... Nhìn vào các con số này có thể thấy các chính sách năm 2015 tiếp tục có phần thắt chặt và hoài nghi về các con số giữa chỉ tiêu tăng trưởng GDP và tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trong khi các điều kiện khác như chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) (giai đoạn 2011 - 2013 khoảng 5,53%) và năng suất lao động chưa có thay đổi đột biến nào trong những năm gần đây.
Bảng 2: Thống kê về các chỉ tiêu GDP và tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội từ năm 2011 - 2015 (**)
![]() |
Rõ ràng, năm 2015 nếu vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thì điều cần thiết là phải thực hiện các chính sách một cách linh hoạt thay vì thắt chặt (nếu có). Một trong các mục tiêu hàng đầu, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện cải cách thể chế, như sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn các dự Luật quan trọng được QH xem xét, thông qua vào cuối năm nay như dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), thì cần tập trung tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, vì đây là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm. Các giải pháp mà cộng đồng doanh nghiệp đang mong chờ, đó là: triển khai một cách quyết liệt các nội dung của Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN, thực hiện cổ phần hóa DNNN theo đúng lộ trình đến năm 2015 để nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN, tạo thêm nguồn lực và thu hút được nhiều hơn nữa đầu tư từ khối kinh tế tư nhân và FDI, có chính sách lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là lạm phát để điều tiết lãi suất thị trường ở mức hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ để duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
____________
(*), (**): Tổng hợp từ số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
HOÀNG PHÚCNhững tin mới hơn
Những tin cũ hơn